Tết Trung Thu khá quen thuộc với nhiều người đặc biệt là các bạn nhỏ. Đến ngày này, mọi trẻ em đều háo hức và mong chờ được mua những chiếc đèn rực rỡ sắc màu, cùng đi xem hội. Vậy trung thu là ngày gì, có nguồn gốc từ đâu thì không phải ai cũng hiểu rõ. Vậy hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây nhé!
HÔM NAY:
22/07/2023 (Âm lịch)
Chỉ còn
NGÀY
là đến tết trung thu
Tết Trung Thu diễn ra vào Thứ sáu, 29/09/2023 (Dương Lịch)
15/08/2023 (Âm Lịch)
Xem thêm:
1. Tết Trung thu là ngày gì?
Trung Thu có nghĩa là giữa mùa thu. Tết Trung Thu được tổ chức vào ngày 15 tháng 8 Âm lịch, đây là ngày mà trăng sáng và đẹp nhất, vậy nên còn gọi là Rằm Trung Thu, Tết Trông Trăng, Tết hoa đăng.
Vào ngày này người dân đã thu hoạch xong vụ mùa và sẽ tổ chức lễ hội mừng trăng sáng với nhiều hoạt động thú vị: ăn bánh, uống trà, ngắm trăng, rước đèn, múa lân… Từ xa xưa vào ngày Tết Trung Thu cũng chính là dịp trăng tròn sáng nhất để tiên đoán mùa màng:
“Muốn ăn lúa tháng Năm, trông trăng rằm tháng Tám.
Tỏ trăng Mười Bốn được tằm, đục trăng hôm Rằm thì được lúa chiêm.”
Như vậy ngắm trăng đêm Trung Thu không chỉ là hoạt động văn hóa tinh thần mà còn gắn liền với hoạt động đời sống lao động sản xuất của người dân.
2. Nguồn gốc Tết Trung Thu
2.1. Nguồn gốc
Theo Wikipedia, Trung Thu là ngày lễ xuất hiện ở nhiều quốc gia Châu Á như Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc… Nhưng có lẽ nguồn gốc Tết Trung Thu lại xuất phát từ văn hóa Trung Quốc với nhiều điển tích và quan điểm khác nhau. Người Trung Hoa đã ăn mừng thu hoạch vụ mùa ngày trăng tròn từ thời Thương (1600 – 1046 TCN). Còn việc tổ chức lễ hội Trung Thu trở lên phổ biến từ thời nhà Đường.
Theo sách “Việt Nam phong tục”, cụ Phan Kế Bính đã ghi lại rằng tục treo đèn bày cỗ dịp Trung Thu xuất phát từ điển tích liên quan đến lễ sinh nhật vua Đường Minh Hoàng, truyền lệnh cho thiên hạ đâu đâu cũng treo đèn và bày bàn tiệc ăn mừng. Và ở Việt Nam do ảnh hưởng từ văn hóa Trung Hoa theo tục lệ cũng treo đèn vào Rằm tháng Tám. Từ thời nhà Lý đã tổ chức Trung thu như một lễ hội ở kinh thành Thăng Long xưa với các hoạt động rước đèn, múa rối nước, đua thuyền.
2.2. Lịch sử ngày Tết trung thu
Có ba điển tích về ngày Tết Trung Thu được nhiều người biết đến đó là: Hằng Nga và Hậu Nghệ, vua Đường Minh Hoàng lên cung trăng, cổ tích Chú Cuội.
Sự tích nhà vua dạo chơi cung trăng:
Có lẽ điển tích gắn liền với những tục lệ của ngày Tết Trung Thu đó là vua Hoàng Minh Hoàng lên cung trăng.
Vào một đêm khuya rằm tháng tám, gió mát, ánh trăng sáng lung linh như một tấm gương, nhà vua đang đi ngự chơi ngoài thành bỗng gặp một vị tiên giáng thế trong lốt ông lão đầu bạc phơ như tuyết. Vị tiên ấy đã hóa phép một chiếc cầu vồng bắc từ mặt đất lên cung trăng. Nhà vua đã đi lên cầu và dạo chơi nơi cung Quảng, được Hằng Nga đón tiếp nồng hậu. Hằng Nga và các tiên nữ mang bán tiên tới mời nhà vua và biểu diễn múa hát chào đón. Sau khi trở về trần thế, nhà vua luyến tiếc cảnh cung trăng đầy thơ mộng. Nên để kỷ niệm ngày đó, nhà vua đã cho làm bánh tròn như mặt trăng (hay còn gọi là bánh trung thu), và cùng các quần thần ngắm trăng.
Sự tích chị Hằng Nga:
Hằng Nga là nhân vật quen thuộc thường được nhắc đến vào dịp Trung Thu. Tương truyền rằng vào thời xa xưa, vợ chồng Hằng Nga và Hậu Nghệ là 2 vị thần bất tử sống trên thượng giới. Vào một ngày kia, mười người con của Ngọc Hoàng biến thành mười mặt trời, khiến cho trái đất trở nên nóng bỏng, khô cằn, người dân khổ sở. Hậu Nghệ vì thế ra tay cứu giúp, bằng tài bắn cung của mình đã bắn hạ chín mặt trời. Bởi vậy mà Ngọc Hoàng đã đày Hậu Nghệ và Hằng Nga xuống hạ giới để sống cuộc sống của con người.
Vì thương Hằng Nga sống dưới trần gian, nên Hậu Nghệ đã lên núi gặp được Tây Vương Mẫu để xin thuốc trường sinh. Tây Vương Mẫu đã đồng ý cho Hậu Nghệ một viên nhưng dặn mỗi người chỉ cần nửa viên để trở thành bất từ. Hậu Nghệ mang thuốc về nhà và cất vào hộp, dặn Hằng Nga không được mở chiếc hộp đó.
Một hôm nhân lúc Hậu Nghệ không có nhà, Hằng Nga vì tò mò đã mở chiếc hộp đó ra và vô tình nuốt chửng viên thuốc. Ngay lập tức Hằng Nga đã bay lên trời. Hậu Nghệ về nhưng không kịp ngăn lại. Kể từ đó Hằng Nga ở trên cung trăng, không thể nào xuống trần gian được.
Sự tích chú Cuội cung Trăng:
Đây là một câu chuyện cổ tích của Việt Nam. Kể về một người tiều phu tên là Cuội. Hàng ngày Cuội vác rìu vào rừng đốn củi và một hôm gặp anh gặp bốn con cọp con nên đã vung rìu chém. Cọp mẹ về thấy vậy đã đi lấy một ít lá cây gần đó về nhai và mớm cho con thì chúng sống lại. Cuội vô cùng sửng sốt, nên chờ nhà cọp đi khuất thì anh đã tìm đến cây lạ kia đào gốc mang về.
Trên đường về nhà anh gặp một ông lão ăn mày bị chết ở bãi cỏ, liền bứt mấy lá nhai và mớm cho ông lão thì ông đã sống lại. Sau đó anh về nhà trồng cây ở góc vườn, và tưới tắm bằng nước sạch. Có cây thuốc quý anh đã cứu sống được cho nhiều người. Cũng nhờ vậy mà Cuội đã cứu sống được một cô gái, và lấy làm vợ.
Hai vợ chồng sống với nhau êm ấm. Tuy nhiên, có hôm vợ Cuội bị giặc vào giết. Dù lần này Cuội đã cứu sống được vợ nhưng tính nết nàng tự nhiên thay đổi hẳn, nói đâu quên đó.
Một hôm, lúc Cuội không có nhà, vợ ở nhà tưới nước bẩn vào cây thuốc, khiến cho cây bật gốc bay lên trời. Đúng lúc đó Cuội về hốt hoảng bám vào cây níu xuống, nhưng cây cứ thế kéo cả chàng lên cung trăng. Kể từ đó, Cuội ở luôn trên cung trăng cùng cây quý. Nên vào Rằm Trung Thu người ta thường thấy hình ảnh cây cổ thụ có người ngồi dưới gốc nhìn xuống trần gian.
3. Ý nghĩa ngày Tết trung thu
Nói đến Tết Trung Thu sẽ nghĩ ngay đến niềm vui của trẻ thơ, sự đoàn viên, kết nối giữa các thế hệ. Khác với những ngày lễ Tết khác, Tết Trung Thu có nhiều ý nghĩa, mang những ước vọng và mong muốn của những tầng lớp trong xã hội.
- Đoán định mùa màng, vận mệnh quốc gia: Từ xa xưa, vào mùa trăng tròn sáng nhất, người ta sẽ dựa vào khí tiết của ánh trăng để tiên đoán mùa màng, vận mệnh quốc gia . Theo đó, nếu trăng thu màu vàng thì năm đó sẽ trúng mùa tằm tơ, nếu trăng thu màu xanh hay lục thì năm đó sẽ có thiên tai và nếu trăng thu màu cam trong sáng thì đất nước sẽ thịnh trị.
- Gắn kết, đoàn tụ gia đình: Tết Trung Thu còn được gọi là Tết đoàn viên, là ngày mà con cháu sẽ quây quần bên gia đình, cùng nhau phá cỗ trông trăng, kể cho nhau nghe về những câu chuyện.
- Tưởng nhớ công ơn sinh thành của bố mẹ: Vào ngày này, người Việt thường chuẩn bị lễ vật để dâng lên bàn thờ tổ tiên, thể hiện lòng thành kính và biết ơn đối với các đấng sinh thành.
- Ngày vui đám trẻ: Đối với trẻ nhỏ, Trung Thu đúng là một lễ hội dành riêng cho mình với đầy đủ đồ chơi, đồ ăn hấp dẫn. Khi mà Trung Thu xưa còn khó khăn, chỉ vào dịp này mới có nhiều đồ chơi được bày bán dành cho trẻ con. Hơn nữa Trung Thu cũng trùng vào dịp trẻ vào năm học mới nên còn mang ý nghĩa gửi gắm ước vọng học hành thành tài của cha mẹ đối với trẻ nhỏ.
Tết Trung Thu trải qua hàng ngàn năm lịch sử đã có nhiều biến đổi để phù hợp với hoàn cảnh xã hội. Thế nhưng những giá trị, ý nghĩa Tết Trung Thu vẫn được gìn giữ và truyền dạy cho thế hệ sau.