Chùa Phật Tích, tọa lạc tại huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, là một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam, nổi tiếng với vẻ đẹp trầm mặc và lịch sử hàng nghìn năm. Được xây dựng từ thời Lý, chùa sở hữu nhiều nét kiến trúc độc đáo, nơi đây trở thành điểm đến tâm linh thu hút du khách thập phương đến chiêm bái. Hãy cùng tham quan ngôi chùa linh thiêng xứ Kinh Bắc trong bài viết dưới đây.
Giới thiệu về chùa Phật Tích
Chùa Phật Tích, một trong những ngôi chùa Bắc Ninh cổ kính nhất Việt Nam, không chỉ nổi bật với kiến trúc độc đáo mà còn là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa và lịch sử quý giá. Chùa Phật Tích ở đâu? Hãy cùng khám phá thêm về Chùa Phật Tích ngay sau đây.
Chùa Phật Tích ở đâu?
- Địa chỉ: Phía Nam ngọn núi Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.
- Giờ mở cửa: 05:00 – 18:00
Chùa Phật Tích (hay còn được gọi là chùa Vạn Phúc) nằm tại sườn phía Nam núi Phật Tích, thuộc xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Cách trung tâm Hà Nội chỉ khoảng 20km, nơi đây trở thành điểm du lịch tâm linh thuận tiện cho du khách di chuyển để tham quan, chiêm bái. Nằm giữa khung cảnh thiên nhiên thanh bình, Chùa Phật Tích Tiên Du Bắc Ninh không chỉ là di tích lịch sử quan trọng mà còn là trung tâm giao thoa giữa tín ngưỡng dân gian Việt cổ và Phật giáo, mang giá trị văn hóa và tâm linh đặc biệt.
Ngôi chùa hơn ngàn năm tuổi thuộc huyện Tiên Du – Bắc Ninh
Ngôi chùa mang dấu ấn sâu sắc của thời nhà Lý với bề dày hơn 1000 năm lịch sử. Đặc biệt, chùa Phật Tích sở hữu bức tượng Phật A Di Đà bằng đá xanh thời Lý lớn nhất Việt Nam. Hàng năm, chùa Phật Tích đón rất nhiều phật tử và du khách từ mọi miền đất nước đến hành hương, tham quan và nghiên cứu, góp phần tôn vinh giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Lịch sử hình thành chùa Phật Tích
Chùa Phật Tích, còn gọi là chùa Vạn Phúc, là một trong những ngôi chùa cổ kính nhất Việt Nam, mang đậm dấu ấn lịch sử và văn hóa qua nhiều triều đại. Lịch sử chùa Phật Tích thể hiện qua các giai đoạn:
- 1057: Chùa được khởi dựng vào năm Long Thụy Thái Bình thứ 4 dưới thời vua Lý Thánh Tông, với tên gọi ban đầu là Thiên Phúc Tự.
- 1066: Vua Lý Thánh Tông xây dựng một ngọn tháp lớn để đặt tượng Phật A-di-đà bằng đá xanh nguyên khối được dát vàng cao hơn 1.87m.
- 1071: Vua Lý Thánh Tông khắc chữ “Phật” dài 5m lên sườn núi và đặt tên là núi Phật Tích.
- Thời Trần: Chùa được vua Trần Nhân Tông cho xây dựng thêm cung Bảo Hoa và thư viện lớn, là nơi lưu giữ và sáng tác các tác phẩm văn hóa Phật giáo.
- 1686: Thời nhà Lê, chùa được trùng tu lớn và đổi tên thành Vạn Phúc Tự, với nhiều công trình nghệ thuật nổi bật, khắc ghi qua bia đá “Vạn Phúc Đại Thiền Tự Bi”.
- 1947: Chùa bị phá hủy nghiêm trọng trong kháng chiến chống Pháp.
- 1959: Bộ Văn hóa tái tạo chùa, phục dựng 3 gian nhỏ để đặt tượng Phật A Di Đà.
- 1962: Chùa Phật Tích được công nhận là Di tích Lịch sử – Văn hóa quốc gia.
Mỗi giai đoạn lịch sử của chùa đều gắn liền với sự phát triển của Phật giáo Việt Nam, góp phần làm nên ý nghĩa của chùa Phật Tích trong đời sống văn hóa, tâm linh của người dân Bắc Ninh và cả nước.
Nét đẹp kiến trúc độc đáo của chùa Phật tích
Chùa Phật Tích Bắc Ninh là một tuyệt tác kiến trúc Phật giáo Việt Nam, mang đậm dấu ấn của thời nhà Lý. Với vị trí đặc biệt, nằm sát sâu vào sườn núi, kiến trúc chùa được thiết kế theo kiểu tầng nền giật cấp, cao dần lên đỉnh. Chính vậy mà tạo nên một vẻ đẹp hài hòa giữa con người và thiên nhiên.
Ngôi chùa được xây dựng theo nguyên tắc “Nội Công Ngoại Quốc,” với kiến trúc bên trong hình chữ Công (工) và bên ngoài hình chữ Khẩu (口) hoặc Quốc (国). Bố cục đối xứng, kết hợp với mái cong đặc trưng của chùa Việt Nam, tạo nên vẻ trang nghiêm mà vẫn uyển chuyển.
Với nét đẹp độc đáo và giá trị lịch sử, văn hóa to lớn, Chùa Phật Tích thực sự là một biểu tượng của kiến trúc và tâm linh Việt Nam.
Kiến trúc cổ kính của ngôi chùa
Các địa điểm tham quan và lễ bái chùa Phật Tích
Khi đến với Chùa Phật Tích thôn Phật Tích Tiên Du Bắc Ninh, du khách không chỉ chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiến trúc độc đáo mà còn được khám phá nhiều công trình tâm linh đặc sắc
Khu thờ chính
Khu thờ chính của Chùa Phật Tích mang đậm nét kiến trúc Phật giáo thời Lý gồm 7 gian tiền đường để đón khách, 5 gian bảo thờ Phật, đức A Di Đà và các vị Tam Thế Phật, 8 gian thờ Tổ và 7 gian thờ Mẫu. Miếu thờ Bà Trần Thị Ngọc Am – người trùng tu chùa – nằm bên phải khu chính.
Lối dẫn lên gian chính là những bậc đá cổ, tạo nên vẻ cổ kính, linh thiêng. Qua các sử liệu và chứng tích văn hóa vật thể khẳng định chùa Phật Tích từng là đại danh lam thắng cảnh với kiến trúc hài hòa, vừa thơ mộng vừa trang nghiêm.
Lối lên khu thờ chính
Tượng phật A Di Đà
Tượng Phật A Di Đà tại chính điện chùa Phật Tích là bảo vật quý giá, được tạc từ đá xanh nguyên khối, hiện có chiều cao cả bệ là 2m77. Bức tượng thể hiện Đức Phật A Di Đà trong tư thế tọa thiền trên tòa sen theo lối Kiết Già toàn phần, dáng ngồi thanh thản, tự tại. Khuôn mặt tượng mang vẻ đôn hậu, viên mãn, được lý tưởng hóa theo dạng nhân chủng Ấn Độ với đôi mắt nhìn xuống, sống mũi cao, khóe miệng mỉm cười kín đáo, vừa trầm tư vừa rạng rỡ.
Bức tượng A Di Đà nổi tiếng ở chùa Phật Tích
Được tạo tác vào thời Lý, tượng Phật A Di Đà không chỉ là biểu tượng của nghệ thuật điêu khắc đỉnh cao mà còn là kiệt tác mỹ thuật của Việt Nam. Đây cũng là lý do chùa Phật Tích được đổi tên từ Vạn Phúc, khi pho tượng được phát hiện trong lòng tháp đổ.
Vườn Tháp
Vườn Tháp của chùa Phật Tích nằm ngay phía sau sân chùa, nổi bật với hơn 32 ngọn tháp cổ, nơi lưu giữ xá lị của các nhà sư trụ trì và nhục thân Thiền sư Chuyết Chuyết. Đặc biệt, Tháp Phổ Quang cao đến 510m là một công trình ấn tượng, mang đậm dấu ấn kiến trúc thời nhà Lý. Tháp có 14 tầng nhỏ dần lên trên, đỉnh tháp treo Đại Hồng Chung, tạo nên sự uy nghiêm và linh thiêng cho toàn khu vực.
Tháp Phổ Quang không chỉ là nơi lưu giữ giá trị lịch sử mà còn là điểm nhấn độc đáo trong hành trình khám phá chùa Phật Tích
Tháp Phổ Quang nổi bật cao 510m
Hàng tượng linh thú
Hàng tượng linh thú tại chùa Phật Tích là một trong những Bảo vật Quốc gia quý giá, gồm 10 bức tượng linh thú có niên đại từ thời nhà Lý. Các tượng được chia thành 5 cặp: ngựa, tê giác, trâu, voi, sư tử, được bố trí đối xứng trước hành lang tòa Tam Bảo. Các tượng có kích thước lớn, cao gần 2m, được đặt trên bệ sen hình hộp và liền khối với bệ đá.
Vườn linh thú là một trong những bảo vật của chùa
Theo văn bia “Vạn Phúc đại thiền tự bi” dựng năm 1686, những linh thú này được tạc cùng thời điểm xây dựng chùa, thể hiện tay nghề đỉnh cao của các nghệ nhân thời kỳ này. Các bức tượng vừa thể hiện sự mạnh mẽ lại được đặt trong không gian với tư thế nằm thủ phục trên bệ tượng tạo cảm giác nghỉ ngơi, thư thái. Mang ý nghĩa giải thoát tự nhiên, tự tại trong thế giới của Phật.
Ao rồng
Long Trì là một ao nhỏ hình vuông nằm giữa cửa tầng nền thứ ba của chùa Phật Tích, cách mép nền 14,3m. Ao có kích thước 7m x 5m, sâu 2m, với bờ kè đá tảng vuông góc. Dưới đáy ao, hình tượng chân rồng được tạc bằng đá, nổi bật với bắp chân to, móng vuốt chắc khỏe, thể hiện nét điêu khắc tinh xảo của thời Lý, làm tăng thêm vẻ linh thiêng và giá trị nghệ thuật của chùa.
>> Xem thêm: Đền Bà Chúa Kho – Kinh nghiệm lễ bái, cầu tài lộc A – Z
Hướng dẫn di chuyển đến chùa Phật Tích
Chùa Phật Tích cách trung tâm Hà Nội khoảng 30km, nên việc di chuyển không quá khó khăn. Bạn có thể lựa chọn phương tiện cá nhân hoặc phương tiện công cộng:
- Bằng phương tiện cá nhân:
- Đi bằng ô tô: Từ Hà Nội, bạn đi theo hướng cầu Nhật Tân hoặc cầu Thanh Trì, nhập vào đường cao tốc Hà Nội – Bắc Giang. Sau đó, rẽ vào Quốc lộ 1A hướng Bắc Ninh. Tiếp tục đi theo biển chỉ dẫn đến huyện Tiên Du, rồi đến xã Phật Tích.
- Xe máy: Xuất phát từ nội thành Hà Nội, bạn có thể đi theo Quốc lộ 1A hoặc 1B cũ. Qua cầu Đuống, đi thẳng đến Bắc Ninh, theo hướng chỉ dẫn tới chùa Phật Tích. Đường đi thuận tiện, thời gian di chuyển khoảng 1 giờ.
- Bằng xe bus: Bạn có thể bắt xe bus tuyến 54 (Long Biên – Bắc Ninh) hoặc 203 (Gia Lâm – Bắc Ninh). Đến bến xe Bắc Ninh, tiếp tục đi xe ôm hoặc taxi khoảng 10km để đến chùa Phật Tích.
Vị trí chùa Phật Tích
Nên đi lễ chùa Phật Tích vào thời gian nào?
Bạn có thể tham quan và lễ bái Chùa Phật Tích vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên, tháng Giêng là thời gian lý tưởng nhất để ghé thăm, khi không khí mát mẻ và thiên nhiên vào mùa nở rộ, tạo điều kiện lý tưởng để vãn cảnh chùa.
Còn nếu muốn trải nghiệm không khí đặc sắc của lễ hội, bạn có thể đến vào dịp lễ hội Khán hoa mẫu đơn, diễn ra từ mồng 3 đến mồng 5 Tết âm lịch, với ngày chính hội vào mồng 4. Đây là một trong những lễ hội lớn và có lịch sử lâu dài của Bắc Ninh, thu hút đông đảo du khách đến tham gia. Dịp lễ hội không chỉ mang lại không gian linh thiêng, mà còn là cơ hội để bạn tận hưởng cảnh sắc đẹp mắt của chùa cùng không khí rộn ràng, vui tươi.
Lễ hội Khán hoa mẫu đơn
Những lưu ý khi đi lễ chùa Phật Tích
Một số lưu ý bạn cần biết khi đi tour lễ chùa Phật Tích Bắc Ninh:
- Giữ tâm trong sáng, cầu bình an, sức khỏe.
- Ăn mặc kín đáo, lịch sự, tránh váy ngắn, áo hai dây, quần short.
- Chọn giày dép dễ tháo khi vào điện thờ.
- Đi nhẹ, nói khẽ, không chạy nhảy ồn ào.
- Không tự ý ngắt hoa, bẻ cành hay sờ vào hiện vật.
- Lễ vật không cần lớn, quan trọng là lòng thành tâm.
- Dâng hoa quả, trà bánh thuần chay, xếp lễ vào khay riêng.
- Khấn tại điện Tam bảo trước, sau đó mới đến các điện thờ khác.
- Bảo quản tư trang khi đông khách, tránh mất mát.
- Hỏi rõ giá cả khi mua đồ ăn, hoa quả, nhang, dịch vụ.
Chùa Phật Tích không chỉ nổi bật với kiến trúc độc đáo mang đậm dấu ấn thời Lý mà còn là nơi lưu giữ nhiều di tích lịch sử và văn hóa quý giá. Với không gian linh thiêng và cảnh sắc tuyệt đẹp, chùa Phật Tích là điểm du lịch Bắc Ninh lý tưởng để chiêm bái, vãn cảnh và tìm hiểu về văn hóa Phật giáo. Hãy đến đây để trải nghiệm sự thanh tịnh và khám phá những giá trị văn hóa sâu sắc của ngôi chùa cổ này nhé!