Với những ai đam mê khám phá lịch sử, tìm về cội nguồn, có lẽ chuyến hành trình du lịch đền Hùng sẽ là lựa chọn phù hợp. Sự kết hợp tinh tế giữa kiến trúc độc đáo, câu chuyện lịch sử, khu di tích Đền Hùng nằm trên mảnh đất địa linh nhân kiệt là điểm đến ưa thích của nhiều người mỗi dịp đầu xuân.
I. Giới thiệu về Đền Hùng
Đền Hùng Vương là khu du lịch lịch sử và văn hóa nổi tiếng mà ai cũng đã biết. Thế nhưng Đền Hùng nằm ở đâu, Đền Hùng thuộc tỉnh nào, chứa đựng câu chuyện lịch sử nào thì có lẽ nhiều người còn chưa biết. Thông tin giới thiệu về Đền Hùng dưới đây sẽ trả lời cho bạn.
1. Đền Hùng ở đâu?
Đền Hùng được biết đến là nơi thờ tự các vua Hùng có công dựng nước, nơi lưu giữ nguồn gốc của dân tộc Việt Nam. Khu di tích lịch sử Đền Hùng thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Ngày xưa vùng đất này là khu vực trung tâm của nhà nước Văn Lang xưa. Vùng đất này có nhiều sông ngòi, ao hồ, đồi núi lại có những cánh đồng trải dài màu mỡ phì nhiêu, là nơi thuận lợi cho cuộc sống định canh định cư của người dân, đồng thời là nơi phòng thủ tốt khi xảy ra những xung đột bộ lạc.
Tọa lạc trên núi Nghĩa Lĩnh cao 175m, khu di tích Đền Hùng Vương có tổng diện tích lên đến 1.030ha. Đền Hùng gồm nhiều đền thờ nằm từ rải rác từ chân núi lên đỉnh núi gồm 4 đền, 1 chùa và 1 lăng. Khi đến du lịch Đền Hùng bạn còn được hòa mình vào với thiên nhiên, ngắm nhìn nơi đất trời giao hòa. Bởi nơi đây vẫn còn lưu giữ được những nét hoang sơ của rừng nhiệt đới với hơn 150 loài thảo mộc, cây đại thụ hàng ngàn tuổi.
Cách Thủ đô Hà Nội khoảng 90km, và cách trung tâm thành phố Việt Trì 7km về phía Bắc, bạn có thể đến Đền Hùng bằng đường bộ theo quốc lộ 2 hoặc tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai.
2. Lịch sử hình thành Đền Hùng
Đền Hùng Vương xưa kia là kinh đô của nước Văn Lang – nhà nước đầu tiên của Việt Nam. Gắn liền với truyền thuyết về Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh được 100 người con trai, trong đó có 50 người theo mẹ về núi và suy tôn con cả lên làm vua lấy hiệu Hùng Vương, sau đó đặt tên nước là Văn Lang.
Còn về lịch sử Đền Hùng theo các tài liệu khoa học, nền móng kiến trúc Đền Hùng bắt đầu được xây dựng từ thời vua Đinh Tiên Hoàng. Sau đó đến khoảng thế kỷ XV, thời Hậu Lê, toàn bộ khu di tích được xây dựng hoàn chỉnh với quy mô như hiện nay. Khu di tích Đền Hùng không ngừng phát triển, trùng tu và xây dựng nhiều công trình hạng mục. Như Đền thờ Lạc Long Quân, đường hành lễ tại trung tâm lễ hội, trụ sở làm việc và nhà tiếp đón khách, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ…
Đền Hùng thờ ai chắc hẳn không ai là không biết. Đền Hùng được biết đến với văn hóa tín ngưỡng thờ Hùng Vương của dân tộc ta suốt hàng ngàn năm. Với câu ca dao “Dù ai đi ngược về xuôi – Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba” đã đi vào tiềm thức của mỗi người Việt Nam.
Cũng có nhiều tranh cãi về sự tích Đền Hùng xoay quanh về 18 vị vua Hùng. Theo các nhà sử học trong thời gian trị vì kéo dài hơn 2000 năm, con số 18 không phải chỉ 18 đời vua Hùng mà là 18 chi (nhánh/ ngành) với tổng lên đến 180 đời vua. Bởi vậy Đền Hùng Vương luôn là biểu tượng linh nghiêm, tôn kính, gắn liền với nhiều hoạt động văn hóa tín ngưỡng của dân tộc.
II. Kinh nghiệm du lịch đền Hùng 2024 chi tiết
Đền Hùng là một trong những di tích lịch sử – văn hóa quan trọng của quốc gia, nơi hội tụ những giá trị tinh hoa và đặc sắc của dân tộc. Hàng năm, nơi đây thu hút hàng vạn lượt du khách từ khắp nơi đổ về tham quan và làm lễ dâng hương Đền Hùng.
1. Nên đi đền Hùng vào thời điểm nào?
Theo kinh nghiệm đi Đền Hùng thời điểm đẹp nhất chính là vào dịp đầu xuân năm mới từ tháng 2 cho đến tháng 5. Lúc này tiết xuân khá dễ chịu, có chút se lạnh nên việc di chuyển sẽ không mệt mỏi. Hơn nữa đây cũng là thời điểm diễn ra nhiều lễ hội tại Đền Hùng. Do đó, du lịch Đền Hùng vào dịp đầu xuân bạn sẽ được trải nghiệm không khí nhộn nhịp, rộn ràng.
Đi hội Đền Hùng không thể bỏ qua lễ hội chính vào ngày Giỗ Tổ 10/3 Âm Lịch, diễn ra nhiều hoạt động mang tính nghi thức như lễ rước kiệu vua và lễ dâng hương, cùng với nhiều hoạt động văn hóa dân gian vô cùng đặc sắc.
2. Chi phí du lịch đền Hùng
Nhiều du khách lần đầu du lịch Đền Hùng có lẽ không khỏi thắc mắc chi phí đi lại, vé tham quan tại Đền Hùng là bao nhiêu. Thực ra đi du lịch Đền Hùng ngoài chi phí bạn di chuyển để đến đây, bạn sẽ phải thanh toán một số loại vé tham quan và đi xe điện trong khu di tích Đền Hùng bao gồm:
- Vé vào cửa tham quan khu di tích Đền Hùng: 10.000đ/ người lớn, trẻ em miễn phí
- Vé tham quan bảo tàng Hùng Vương: 15.000đ/ người lớn, trẻ em miễn phí
- Vé đi xe điện di chuyển trong khu di tích Đền Hùng dao động từ 15.000- 50.000đ/ khách/ lượt tùy vào nơi điểm đón trả khách.
3. Di chuyển đến Đền Hùng như thế nào?
Đền Hùng nằm cách trung tâm thành phố Việt Trì 7km và cách thủ đô Hà Nội khoảng 90km, với cơ sở hạ tầng phát triển như hiện nay, bạn có thể dễ dàng đến đây bằng đường bộ và đường sắt.
Di chuyển bằng đường sắt
Chỉ khoảng 2 tiếng trên tàu từ Hà Nội bạn đã có thể đến Việt Trì – Phú Thọ. Sau đó tiếp tục đi xe bus số 19 hoặc taxi từ Việt Trì để đến đền Hùng. Hàng ngày có 2 chuyến tàu di chuyển từ Hà Nội đi Việt Trì với lịch trình:
Chuyến tàu | Ga Hà Nội | Ga Việt Trì | Tổng thời gian | Giá vé |
Tàu YB3 | 6h10 | 8h20 | 2 tiếng 10 phút | 42.000 – 57.000 |
Tàu SP3 | 22h | 23h50 | 1 tiếng 50 phút | 145.000 – 235.000 |
Giá vé trên có thể thay đổi tùy thuộc vào thời gian mua vé, đối tượng đi tàu và vị trí chỗ trên toa.
Di chuyển bằng đường bộ
Đi du lịch Đền Hùng bạn có thể lựa chọn đi xe máy hoặc oto tự lái qua 2 cung đường:
- Cung đường 1: Đi theo đường ra sân bay Nội Bài qua cầu Thăng Long sau đó đi ra đường Quốc lộ 2 đến cầu Việt Trì. Từ đây đi tiếp qua trung tâm thành phố rẽ trái khoảng 10km nữa sẽ tới Đền Hùng.
- Cung đường 2: Di chuyển dọc theo đường quốc lộ 32 đến Ba Vì, sau khi qua cầu Trung Hà tiếp tục đi qua cầu Phong Châu và đi thẳng đến Đền Hùng.
Ngoài ra bạn cũng có thể dễ dàng đi xe khách từ Hà Nội đến Đền Hùng từ bến xe Mỹ Đình. Luôn có các nhà xe đi tuyến Hà Nội – Phú Thọ, bạn hãy báo với nhà xe đến Đền Hùng sẽ được đưa đến tận nơi chỉ sau khoảng 2 giờ di chuyển.
Di chuyển tại Đền Hùng
Trong khu di tích Đền Hùng đã khai thác dịch vụ vận chuyển hành khách bằng xe điện từ bãi xe đến các điểm tham quan, với giá vé từ 15.000 – 50.000đ/ người/ lượt. Du khách có thể lựa chọn để đi lại tham quan trong khu di tích dễ dàng, thuận tiện hơn.
4. Các điểm tham quan đền Hùng
Toàn bộ khu di tích Đền Hùng được xây dựng trên núi Hùng thuộc đất Phong Châu, gồm có 4 đền, 1 chùa và 1 lăng hài hòa trong cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, chất đầy khí thiêng của sơn thủy hội tụ. Từ chân núi, bạn sẽ đi qua lần lượt các di tích sau:
Cổng đền
Là nơi đầu tiên bắt đầu đón du khách đến với chuyến hành trình về vùng đất Tổ. Cổng đền được xây dựng vào năm 1917 tức năm Khải Định thứ 2 với kiểu vòm cuốn cao 8,5m có 2 tầng 8 mái, lợp giả ngói ống. Trên cổng đền được trang trí Rồng, đắp nổi hai con Nghê, và giữa cổng có đề bức đại tự “Cao sơn cảnh hành” có nghĩa là lên núi cao nhìn xa rộng. Mặt sau cổng đền có đắp hai con hổ mang ý nghĩa là hiện thân canh giữ cửa đền.
Đền Hạ
Đền Hạ gắn liền với sự tích Đền Hùng. Tương truyền nơi đây chính mẹ Âu Cơ đã sinh bọc trăm trứng, nở ra 100 người con trai mang dòng giống Tiên Rồng. Phía sau Đền Hạ vẫn còn lưu giữ dấu tích của giếng “Mắt Rồng” nơi mẹ Âu Cơ ấp trứng.
Vào thế kỷ XVII – XVIII đền được xây dựng lại trên nền đất cũ. Kiến trúc của đền theo hình chữ “nhị”, gồm hai tòa tiền bái và hậu cung, nằm cách nhau 1,5m. Dù trải qua nhiều lần trùng tu nhưng ngôi đền vẫn giữ nguyên kiến trúc ban đầu với vẻ đơn sơ, không có nhiều họa tiết trang trí cầu kỳ. Đây là nơi thờ tự long ngai bài vị thờ thần núi, các vị vua Hùng và Tiên Dung, Ngọc Hoa công chúa.
Dưới chân Đền Hạ là Nhà Bia hình lục giác, 6 mái, đặt bia đá có khắc lời căn dặn của Hồ Chủ Tịch khi về đây thăm Đền Hùng: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Chùa Thiên Quang
Ngay cạnh đền Hạ là chùa Thiên Quang thờ Phật theo phái Đại thừa. Ngôi chùa được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVIII – XIX thời nhà Trần, hiện bên trong chùa còn giữ được 32 pho tượng Phật bằng gỗ sơn son thiếp vàng.
Tương truyền, tên chùa Thiên Quang gắn liền với sự tích khi xưa bà Âu Cơ hạ sinh bọc trăm trứng, tại vị trí của chùa có luồng ánh sáng chiếu thẳng từ trên trời xuống, bởi vậy nên mang ý nghĩa là ánh sáng từ trên trời chiếu rọi.
Trước cửa chùa có cây vạn tuế ba ngọn có tuổi thọ 800 năm. Ba ngọn khi mọc tỏa ra ba hướng tượng trưng cho 3 miền Bắc – Trung – Nam. Và đây cũng là nơi Bác Hồ ngồi trò chuyện với cán bộ và chiến sĩ. Sân chùa có 2 tháp sư hình trụ 4 tầng, trên nóc đắp hình hoa sen, tại đây thờ tự các vị hòa thượng tu hành và viên tịch tại chùa.
Đền Trung
Nằm ở lưng chừng núi, trải qua 159 bậc đá, bạn sẽ đến Đền Trung. Tương truyền rằng nơi đây vua Hùng và các Lạc Hầu, Lạc Tướng thường xuyên cùng nhau đi du ngoạn ngắm cảnh, gặp gỡ bàn việc nước. Và cũng chính tại đây là nơi vị vua Hùng thứ 6 đã nhường ngôi cho Lang Liêu người con hiếu thảo đã làm bánh chưng, bánh dày dâng vua.
Đền Trung có tên chữ là “Hùng Vương tổ miếu” hay miếu thờ tổ vua Hùng. Đền được xây theo kiểu hình chữ nhất, có 3 gian quay về hướng nam, dài 7,2m, rộng 3,7m. Mái hiên cao 1,8m không có cột kèo.
Đền Thượng
Tiếp tục leo lên núi khoảng 100 bậc từ Đền Trung, bạn sẽ đến Đền Thượng nằm ở vị trí cao nhất trên núi Nghĩa Lĩnh. Đền có tên chữ là “Vương Thiên Liên Điện” hay còn gọi là “Cửu Trùng Thiên Tiên Điện” có nghĩa là Điện thờ trên trời. Kiến trúc Đền Thượng cũng khá đơn giản, không có nhiều họa tiết chạm khắc.
Tục truyền nơi đây vua Hùng Vương thứ 6 lập đàn thờ tế trời đất, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhân khang vật thịnh. Bên trái đền có cột đá thề, tương truyền do Thục Phán dựng lên khi được vua Hùng thứ 18 truyền lại ngôi đã thề nguyện bảo vệ non sông đất nước mà các vua Hùng đã trao lại, cũng như thề coi sóc hương khói điện thờ nhà vua.
Lăng Hùng Vương
Tương truyền đây là lăng mộ của vua Hùng Vương thứ 6. Lăng nằm ở phía đông Đền Thượng, có vị trí tựa non, hướng thủy, mặt quay ra hướng Đông Nam. Theo ghi chép, xưa kia lăng mộ là mộ đất, đến năm 1870 thời Tự Đức năm thứ 27 đã cho xây dựng lăng mộ, sau đó đến năm 1922 thời Khải Định cho trùng tu lại.
Kiến trúc của Lăng Hùng Vương là hình vuông, cột liền tường, 2 tầng mái, và được trang trí bằng nhiều họa tiết cầu kỳ. Bên trong lăng là mộ của Vua Hùng và có bia đá ghi “Biểu chính” tức là lăng chính. Còn bên ngoài mặt lăng đề “Hùng Vương lăng”.
Đền Giếng
Xưa kia giếng cổ là nơi hai công chúa của vua Hùng thứ 18 là Tiên Dung và Ngọc Hoa thường xuyên tới soi gương, vấn tóc khi theo cha đi kinh lý qua vùng nay. Để tưởng nhớ công lao của hai bà đã dạy dân trồng lúa nước, trị thủy nên nhân dân đã lập đền thờ phụng.
Đền Giếng được xây dựng vào thế kỷ XVIII, theo hướng Đông Nam, kiến trúc kiểu chữ “công”, có nhà tiền bái, hậu cung, 1 chuôi vồ và 2 nhà oản, phương đình nối tiền bái với hậu cung.
Đền Tổ mẫu Âu Cơ
Nằm trong khu di tích Đền Hùng, nằm phát huy tín ngưỡng thờ mẫu cung như tưởng nhớ công lao của mẹ Âu Cơ, Đền Tổ mẫu Âu Cơ được xây dựng trên núi Vặn vào năm 2001.
Kiến trúc đền xây theo kiểu chữ Đinh, mặt quay ra hướng Đông Nam, và mang đậm nét truyền thống của đền chùa truyền thống ở Việt Nam. Các họa tiết trang trí trong đền được mô phỏng theo các hoa văn trên trống đồng Đông Sơn.
Đền thờ tượng mẹ Âu Cơ và hai Lạc hầu, Lạc tướng. Hàng năm vào các ngày lễ chính là Mẫu Thăng, Mẫu giáng, ngày giỗ Đức quốc Tổ Lạc Long Quân, Đền Tổ Mẫu lại tổ chức lễ tiệc long trọng.
Bảo tàng Hùng Vương
Bảo tàng Hùng Vương là nơi đang lưu giữ hơn 4000 hiện vật trong đó có gần 700 hiện vật gốc từ thời nhà nước Văn Lang. Đến với Bảo Tàng bạn sẽ có cơ hội trải nghiệm để hiểu hơn về văn hóa, lịch sử tại đền Hùng.
Đền Quốc Tổ Lạc Long Quân
Tọa lạc trên đồi Sim cách núi Nghĩa Lĩnh khoảng 1km, đền Quốc Tổ Lạc Long Quân có địa thế “sơn chầu thủy tụ”. Đồi Sim có hình thế như một con rùa lớn, hai bên có Thanh Long, Bạch Hổ, và phía trước có hồ Hóc Trai, sông Hồng.
Đền chính có diện tích khoảng 210m2, với kiến trúc kiểu chữ “Đinh” truyền thống. Trong đền có đặt tượng thờ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân với dáng vẻ uy nghiêm, được đúc bằng đồng nặng 1,5 tấn, cao 1,98m ở tư thế ngồi trên ngai vàng.
Đền Hùng là một di tích lịch sử, văn hóa có giá trị quan trọng đối với mỗi người dân Việt Nam. Nhằm phục vụ du khách đến tham quan, hành hương về đất Tổ, khu di tích Đền Hùng mở cửa từ 7h – 18h tất cả các ngày từ thứ 2 đến Chủ nhật (trừ Bảo tàng Hùng Vương đóng cửa sớm hơn từ 16h).
5. Ăn gì khi đi du lịch đền Hùng
Đến với vùng đất Phú Thọ, bạn nhất định không thể bỏ qua những món đặc sản nơi đây.
Bánh tai Phú Thọ
Loại bánh có hình dáng khá thú vị, giống hình chiếc tai, nên được gọi là bánh tai. Thứ bánh có từ xa xưa, được làm bằng gạo tẻ, nhân thịt lợn, cách làm cũng rất đơn giản. Bạn có thể bắt gặp món ăn này ở các quán ăn, gánh hàng trong khu chợ gần đền Hùng. Chủ yếu bánh tai Phú Thọ dùng để ăn sáng, miếng bánh còn ấm nóng, dẻo mát, bùi ngọt, béo thơm hòa quyện tạo nét đặc trưng không nơi nào có được.
Thịt chua Thanh Sơn
Vùng đất Phú Thọ nổi tiếng với văn hóa ẩm thực đa dạng, phong phú mà lại vô cùng dân dã. Thịt chua Thanh Sơn mang hương vị bùi ngọt của thịt, giòn sần sật của bì nướng, hòa quyện cùng vị chua của thính đã lên men. Món đặc sản này dùng kết hợp với một loại lá vị chát ngọt như lá sung, đinh lăng, lá ổi, lá mơ… bạn sẽ không thể quên được hương vị đó. Đặc biệt món ăn này bạn có thể ăn tại nhà hàng gần đền Hùng hoặc mua về làm quà cho người thân.
Cọ ỏm
Món cọ ỏm là món quả cọ om nhừ mềm thường dùng kho cá ăn rất lạ miệng. Vị chát nhẹ, bùi bùi của cọ om ngon không kém gì trám om. Quả cọ chín và khoảng tháng 3, khi bắt đầu già, người dân mới thu hoạch và om trong lửa liu riu cho đến khi mềm. Đây là một món ăn đặc sắc của vùng đất Phú Thọ, khiến nhiều du khách thích thú khi đi du lịch Đền Hùng được thưởng thức.
Bánh làng Dòng
Phú Thọ là vùng đất nổi tiếng là cái nôi của món bánh chưng, bánh dày trong truyền thuyết Lang Liêu. Tồn tại hàng mấy trăm năm, làng Dòng vẫn gìn giữ và phát triển nghề làm bánh với các loại bánh thơm ngon, chất lượng như bánh chưng, bánh nẳng, bánh gai, bánh đúc, bánh dày..
Bánh sắn Phú Thọ
Đây là loại bánh dân dã đặc sắc của quê hương Phú Thọ. Món bánh không chỉ thơm bùi của vị sắn nếp, mà còn có vị béo ngậy của thịt heo, giòn giòn của mộc nhĩ để lại ấn tượng sâu sắc với du khách.
6. Lưu ý khi đi du lịch đền Hùng
Để đi tham quan hoặc trẩy hội Đền Hùng thêm phần trọn vẹn bạn cần lưu ý một số điều sau:
- Đi Đền Hùng mặc gì thì bạn nên lựa chọn trang phục phù hợp với thời tiết và đặc biệt là phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt. Về cơ bản trang phục nên mặc gọn gàng, thoải mái tiện cho việc di chuyển. Trang phục cần lịch sự, thể hiện sự tông trọng ở nơi tôn nghiêm như đền chùa.
- Theo kinh nghiệm đi Đền Hùng bạn lựa chọn giày thể thao, loại có đế bám tốt để có thể leo lên núi thuận tiện hơn.
- Vào dịp lễ hội thường đông người nên bạn cần lưu ý bảo quản đồ đạc tư trang cẩn thận.
- Ở một số điểm dịch vụ, kinh doanh buôn bán đặc sản, hoặc nhà hàng quán ăn gần đền Hùng bạn nên nhớ trả giá trước khi mua, sử dụng dịch vụ.
- Một số lưu ý nữa khi sắm lễ đi Đền Hùng bạn nên chuẩn bị mâm lễ đầy đặn bao gồm các vật phẩm: Bánh chưng (18 chiếc), Bánh dày (18 chiếc), hương, hoa, xôi, oản, trầu, cau, rượu, nước, ngũ quả.
Việc sắm lễ ở Đền Hùng đặc biệt vào ngày Giỗ Tổ cần chuẩn bị đầy đủ, tươm tất thể hiện sự tôn kính tới các vị vua có công dựng nước. Với những người lần đầu đi lễ hội Hùng Vương sẽ khá khó khăn khi không biết chuẩn bị đồ lễ như thế nào có thể chọn một đơn vị tour du lịch trọn gói như HoaBinh Tourist. Với lịch trình khoa học, có xe đưa đón khứ hồi, chuẩn bị sắm lễ đi Đền Hùng tươm tất chu đáo, kèm theo các dịch vụ bữa trưa đặc sản tại Đền Hùng, vé vào khu di tích, bảo hiểm, nước uống trên xe, và hướng dẫn viên theo tour. Chắc chắn sẽ mang đến cho bạn những trải nghiệm thú vị trong chuyến hành trình du lịch Đền Hùng đầu xuân năm mới.
III. Lễ Hội Đền Hùng
Nhắc đến Đền Hùng không thể không nhắc đến lễ hội đã được UNESCO chính thức công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
1. Giới thiệu lễ hội đền Hùng
Gắn liền với truyền thuyết Cha Rồng Mẹ Tiên, và sự tích Đền Hùng với quá trình gây dựng nước, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương trở thành ngày lễ quan trọng của cả dân tộc. Bởi vậy ý nghĩa lễ hội Đền Hùng hay còn gọi là Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao lập nước của các vị vua Hùng.
Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch được tổ chức tại Đền Hùng, Việt Trì, Phú Thọ. Sở dĩ chọn ngày này là bởi vì từ xa xưa, người dân có thói quen đi lễ chùa, người dân ở Lâm Thao vẫn thường xuyên tự tổ chức vào ngày 11/3 cúng bái. Đến đời nhà Nguyễn, năm Khải Định thứ 2, tuần phủ Phú Thọ là Lê Trung Ngọc đã trình Bộ Lễ định ngày 10/3 hàng năm là ngày Quốc Giỗ để cả nước hướng về các vị vua Hùng. Và các nghi lễ, nghi thức, lễ vật đều được ban hành, in lên tấm bia “Hùng miếu điển lệ bi” dựng tại Đền Thượng.
2. Những hoạt động chính diễn ra trong Lễ đền Hùng
Mặc dù ngày Giỗ chính là 10/3 nhưng trước đó hàng tuần mọi hoạt động văn hóa dân gian đã diễn ra. Kết thúc lễ hội vào ngày 10/3 với nghi thức rước kiệu và dâng hương tại Đền Thượng.
Lễ hội đền Hùng có 2 phần là phần Lễ và phần Hội. Trong đó, phần khai mạc lễ hội Đền Hùng được tổ chức khá long trọng, hoành tráng với sự tham dự của các chính khách từ Trung Ương đến các vị chức sắc địa phương.
- Phần tế lễ dâng hương Đền Hùng được cử hành trọng thể, theo thứ tự từ các vị chức sắc vào tế lễ dưới sự điều khiển của chủ lễ, rồi tiếp đến các cụ bô lão ở làng xã sở tại và sau cùng là nhân dân, du khách hành hương vào tế lễ trong các đền thờ vua Hùng.
- Lễ vật dâng cúng là lễ “tam sinh” gồm lợn, dê, bò, bánh chưng, bánh dày và xôi nhiều màu sắc.. Cứ một hồi trống đồng cổ vang lên là đoàn tế tiến vào tiền đường.
- Lễ rước kiệu Đền Hùng đặc sắc được thực hiện bởi các đoàn rước của các xã, thị trấn vùng ven khu di tích. Tham gia vào lễ hội bạn sẽ trải nghiệm không khí rộn ràng trong tiếng nhạc âm vang, cơ hoa, lọng nhiều màu sắc, những chiếc kiệu sơn son thiếp vàng.
Lịch trình diễn ra các nghi thức quan trọng của phần lễ tại Đền Hùng:
- Từ ngày 1/3 – 5/3 âm lịch diễn ra lễ dâng hương của các đại diện đến huyện, thị khu vực gần đền thờ.
- Ngày 6/3 âm lịch diễn ra Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và Lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ
- Ngày 7/3 âm lịch diễn ra lễ rước kiệu của các địa phương về Đền Hùng
- Ngày 10/3 âm lịch diễn ra lễ dâng hương Giỗ Tổ tại di tích Đền Hùng Vương
3. Tham gia Hội đền Hùng
Phần hội Đền Hùng có nhiều hoạt động vô cùng đặc sắc biểu tượng cho tinh thần đoàn kết dân tộc như:
- Trưng bày tư liệu, tác phẩm và hiện vật về Hùng Vương tại bảo tàng. Bạn có thể được chiêm ngưỡng những tác phẩm thể hiện phong tục, tín ngưỡng thờ cúng của người dân.
- Thưởng thức các tiết mục biểu diễn văn hóa dân gian đặc sắc như đánh trống đồng, hát xoan, đam đuống, trình diễn múa rối nước…
- Tham gia các hội thi mang đậm văn hóa cội nguồn như cuộc thi giã bánh dày, gói và nấu bánh chưng, thi bơi chải trên sông Lô cùng nhiều hoạt động thể thao thú vị khác.
Lễ hội Đền Hùng được tổ chức chu đáo, thành kính, trang nghiêm nhằm giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc các vua Hùng. Qua nhiều năm, lễ hội Đền Hùng khẳng định được sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân Phú Thọ trong việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa nơi đây.
Hi vọng, với kinh nghiệm du lịch Đền Hùng và những thông tin cần thiết ở trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về cội nguồn dân tộc cũng như các hoạt động thú vị tại đây. Đừng quên chuẩn bị cho mình một sức khỏe và tinh thần thật tốt để khám phá vùng đất địa linh nhân kiệt này nhé!