Tham dự lễ hội chùa Thầy Hà Nội – Khám phá nét đẹp văn hóa tín ngưỡng Việt Nam

Bạn có biết Chùa Thầy là ngôi chùa cổ bậc nhất ở Hà Nội? Ngôi chùa có lịch sử hơn 1000 năm tuổi còn nổi tiếng với lễ hội chùa Thầy mang nhiều nét văn hóa tín ngưỡng tôn giáo độc đáo thu hút du khách gần xa.

I. Giới thiệu về chùa Thầy 

Chùa Thầy là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng không chỉ thu hút những tín đồ Phật giáo mà còn các nam thanh nữ tú gần xa cũng nô nức đến tham gia và khám phá.

1. Chùa Thầy ở đâu?

Cùng với chùa Hương, và chùa Tây Phương, chùa Thầy là một trong những ngôi chùa cổ nổi tiếng ở Hà Nội. Chùa Thầy còn có tên gọi khác là Thiên Phúc Tự là một địa danh nổi tiếng nằm tựa vào núi Phật Tích. Ngôi chùa gắn liền với hành trình tu hành của Thiền sư Từ Đạo Hạnh nên Chùa Thầy Quốc Oai cùng với Chùa Láng là hai nơi thờ vị thiền sư này.

Chùa Thầy ở đâu? Tọa lạc ở chân núi Sài Sơn thuộc Quốc Oai, Hà Nội, chùa Thầy cách trung tâm thủ đô khoảng 20km về phía Tây Nam, đi theo đường cao tốc Láng – Hòa Lạc. Nếu di chuyển bằng ô tô bạn sẽ mất khoảng 30 phút lái xe để đến chùa Thầy. 

2. Lịch sử hình thành chùa Thầy 

Ban đầu chùa Thầy chỉ là một am nhỏ gọi là Hương Hải am, nơi Thiền sư Từ Đạo Hạnh trụ trì. Theo lịch sử chùa Thầy được xây dựng từ thời nhà Lý, khi đó vua Lý Nhân Tông đã cho xây dựng lại gồm hai cụm chùa là chùa Cao trên núi gọi là Đỉnh Sơn Tự và chùa Dưới ở chân núi (tức chùa Cả) có tên chữ là Thiên Phúc Tự. Đến thế kỷ 17, Dĩnh Quận Công cùng hoàng tộc đã chăm lo vào việc trùng tu, xây dựng điện Phật, điện Thánh, nhà hậu, nhà bia, gác chuông. Bởi vậy ba tòa Tiền Đường – Điện Phật – Điện Thánh được xếp hình chữ Tam tạo nên sự đồ sộ với nhiều cột kèo, trụ…

Chùa Thầy thờ ai? Chùa Thầy gắn liền với giai thoại về cuộc đời nhà sư Từ Đạo Hạnh. Nếu như chùa Láng gắn với giai đoạn đầu cuộc đời của Thiền sư thì chùa Thầy lại chứng kiến quãng đời sau cùng cho đến ngày thoát xác. Chùa Thầy thờ 3 kiếp của Thiền Sư Từ Đạo Hạnh nên khi đến đây du khách sẽ được chiêm ngưỡng các bức tượng khác của Thiền sư ở kiếp vua, kiếp Thánh.

Chùa Thầy cầu gì? Chùa Thầy thu hút không chỉ phật tử mà nhiều du khách thập phương, các bạn trẻ nam thanh nữ tú về đây cầu an, cầu duyên, cầu may mắn. 

3. Kiến trúc chùa Thầy 

Chùa Thầy nổi tiếng với vẻ cổ kính cùng lối kiến trúc độc đáo mang nhiều giá trị văn hóa tôn giáo và lịch sử. Được xây dựng trên thế đất hình con rồng, phía trước chùa Thầy có một sân lát gạch rộng nhìn ra hồ Long Trì tựa như hàm trên của rồng, còn bờ hồ phía bên trái là hàm dưới. Giữa hồ nổi lên Thủy Đình cổ kính ví như viên ngọc tỏa sáng trong miệng rồng.

Hai cây cầu Nhật Tiên Kiều và Nguyệt Tiên được xây dựng theo kiến trúc “thượng gia hạ kiều”. Theo sử sách ghi lại, hai cây cầu này được Phùng Khắc Khoan cho xây dựng để cung tiến chùa đầu thế kỷ 17. Tương truyền rằng, ông đã dùng thuật phong thủy để diễn giải chùa  Thầy xây trên trán rồng, nên hai cây cầu có hình dáng cong cong tựa như cặp mí mắt rồng. 

Phần chính của kiến trúc chùa Thầy được xây dựng theo lối “tiền Phật hậu Thánh” kiểu chữ Tam, gồm có ba tòa là chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng nằm song song. 

  • Chùa Hạ nằm phía ngoài, thường là nơi lễ bái, giảng kinh, còn gọi là tiền đường. Gồm 3  gian 2 chái dựng trên nền cao khoảng 1m so với sân chùa.
  • Ở giữa là thượng điện điện hay chùa Trung thờ cúng Tam Bảo, thờ Phật, Hộ pháp, Thiên Vương. Kiến trúc chùa gồm 3 gian 2 chái, nền cao hơn với nền tiền đường 0,5m, kết cấu khá thông thoáng nhờ vào hệ thống cửa bức bàn gỗ bao hai bên hồi.
  • Nối hai tòa tiền đường và thượng điện chính là Nhà cầu (hay gọi là ống muống) gồm 1 gian 2 mái chạy dọc, có nhiều họa tiết trang trí điển hình cho nghệ thuật điêu khắc gỗ thế kỷ 17. 
  • Phía bên trong là chùa Thượng tách biệt với hai tòa ngoài, thờ tượng Di Đà tam tôn, Thích Ca, và tượng Thiền sư Từ Đạo Hạnh ba kiếp. Chùa Thượng xây trên nền cao hơn chùa Trung khoảng 0,95m gồm 1 gian 2 chái, bộ khung gồm 16 cột quần và 4 cột cái, bộ vì nóc kiểu “chồng rường con nhị – giá chiêng” Bên trong Điện Thánh rất ít họa văn trang trí, nhưng bên ngoài 3 mặt ván gỗ bưng lại được chạm khắc tinh tế cầu kỳ.
Kiến trúc chùa Thượng chùa Thầy
Kiến trúc chùa Thượng chùa Thầy

Ngoài ra, nằm trong quần thể chùa Thầy còn có một gò nổi giữa hồ Long Trì, ở đó xây dựng Đền Tam Phủ, gồm 3 gian 2 dĩ nhỏ. Đền Tam Phủ xây bằng đá ong đỏ sẫm, 4 lá mái, được lợp ngói mũi hài. Theo sử sách ghi lại, đền được xuất hiện vào đầu thời nhà Nguyễn. Nơi đây thờ Ngọc Hoàng, Diêm Vương, và Long Vương.

4. Các kiến trúc tham quan xung quanh

Đến du lịch chùa Thầy, du khách còn được khám phá những kiến trúc độc đáo khác trong quần thể di tích chùa Thầy như chùa Cao, chùa Một Mái, chùa Sài Khê, hay Hang Cắc Cớ, đền Văn Xương, Quán Thánh…

Chùa Cao cổ kính
Chùa Cao cổ kính
  • Chùa Cao:  Đi qua cầu Nguyệt Tiên sẽ đến con đường lên núi sẽ bắt gặp chùa Cao hay có tên gọi khác là Đỉnh Sơn Tự nằm ở lưng chừng núi. Đây là nơi Thiền Sư Từ Đạo Hạnh đến tu đầu tiên, và sau ngài giải thi để đầu thai làm con của  Sùng Hiền Hầu. So với các công trình khác, quy mô của chùa khá nhỏ chỉ gồm chùa chính, gác chuông và một số công trình phụ trợ.
  • Hang Cắc Cớ: Đi vòng phía sau chùa Cao sẽ đến Hang Cắc Cớ. Nơi đây vốn được người dân trong vùng coi là nơi đem lại nhiều may mắn về tình duyên. Bởi vậy hang Cắc Cớ chùa Thầy gắn liền với câu ca dao “Gái chưa chồng trông hang Cắc Cớ, Trai chưa vợ nhớ hội chùa Thầy”. 
  • Chùa Một Mái: Nằm ở chân núi phía Tây còn có chùa Bối Am hay còn gọi là chùa Một Mái. Kiến trúc chùa cũng khá đặc biệt, vì mặt sau chùa dựa vào vách núi, nên chỉ có một mái ngói. Chùa cũng gồm một tiền đường, thượng điện và gác chuông cùng nhà lưu niệm Bác Hồ.
  • Đền Văn Xương: Được xây dựng vào thế kỷ 17 – 18, tọa lạc phía trên chùa Một Mái. Kiến trúc đền gồm 3 gian 3 chái, 4 lá mái các góc đao cong. Tương truyền đây từng là nơi các sĩ tử phong kiến đến ăn chay, cầu đảo để mong đỗ đạt trong các kỳ thi. Đền thờ Tản Viên Sơn Thánh, Văn Xương Đế Quân, Từ Đạo Hạnh..
  • Đền Quán Thánh: tọa lạc dưới chân ngọn Hổ Sơn, cách chùa Thầy 1km về hướng Đông Nam. Tương truyền nơi đây chôn cất tro cốt của Từ Đạo Hạnh, còn các viên xá lợi được yểm vào tượng rồi đặt trong khám thờ. Đền Quán Thánh được dựng từ thế kỷ 12, đến thế kỷ 15 mới xây dựng với quy mô như hiện nay. Kiến trúc đền hình chữ “Nhất” , vì nóc kiểu “chồng rường”, tường được xây bằng đá ong cổ, mái lợp ngói mũi, trang trí các họa tiết rồng mây, tứ linh, hoa lá vân xoắn.
  • Chùa Long Đẩu: Ngôi chùa tọa lạc ở chân Long Đẩu Sơn ngay bên bờ hồ Long Trì. Chùa được khởi dựng từ cuối thế kỷ 11, vào thời Trần được đại trùng tu. Đến năm Chính Hòa thứ 21 (1708) chúa Trịnh Cương và cung Tần Ngọc Lãnh đã bỏ tiền vàng cúng tam bảo, xây nhà Tổ, hành lang, hậu điện, tam quan.
  • Chùa Sài Khê: Nằm dưới chân núi Hoa Sơn, với quy mô và hệ thống tượng phong phú gồm 51 pho tượng tròn. Ngôi chùa được khởi dựng từ khá sớm và qua nhiều lần trùng tu tôn tạo đến thế kỷ 17 đã có quy mô như ngày nay. Chùa Long Đầu ở Quốc Oai là sự kết hợp của hai khối kiến trúc thờ Phật và thờ Thánh trong cùng một kết cấu mặt bằng tiền công và hậu nhất. 

II. Lễ hội chùa Thầy 

Nói về Hội chùa Thầy chắc hẳn nhiều người đã quen thuộc với câu ca dao:

“Nhớ ngày mồng bảy tháng Ba

Trở vào hội Láng, trở ra hội Thầy”

Hàng năm, người dân ở chùa Thầy Quốc Oai đã lấy ngày mà Từ Đạo Hạnh Hóa ở Chùa Thầy, mùng 7 tháng 3 để mở hội. Nên từ ngày mùng 5 đến ngày mùng 7 tháng 3 âm lịch người dân ở khắp nơi lại đổ về tham dự lễ hội đông vui, rộn ràng. 

Lễ hội chùa Thầy mang tính chất tôn giáo và có sự kết hợp với các nhạc cụ dân tộc, tạo nên nét văn hóa độc đáo, đặc sắc của xứ Đoài. Gồm có 2 phần là phần lễ và phần hội:

1. Phần lễ

Trong phần lễ sẽ diễn ra các phần lễ chính như:

  • Lễ Mộc dục hay còn gọi là lễ tắm tượng, được tổ chức vào sáng ngày mùng 5 tháng 3. Tham dự lễ tắm tượng là sư trụ trì trong chùa và 12 vị bô lão trong làng được nhân dân tín nhiệm. Người dân trong vùng sẽ chuẩn bị nước mưa được nấu cùng 5 loại lá thơm, và khăn mới để chuẩn bị cho nghi lễ trang nghiêm, chỉnh tề.
  • Lễ phụng nghênh bài vị và cúng An vị: Nghi thức rước bài vị Đức Thánh Từ Đạo Hạnh từ tòa điện Thánh (chùa Thượng) xuống chùa Trung. Bắt đầu nghi thức là bài đọc kinh trong làng, sau đó nhà sư và các bô lão tiến hành tắm tượng bằng nước  thơm, thay áo mới, bài vị của Đức thánh được khiêng cẩn thận và đặt yên vị ở tòa chùa Trung.
  • Lễ tế và lễ rước: Vào ngày chính hội mùng 7 tháng 3, sẽ diễn ra lễ đại tế. Kiệu của 4 làng sẽ tụ họp đông đủ trước sân chùa Thầy để bắt đầu làm lễ cúng. Các thôn rước lễ vào quán để nhà sư trụ trong coi và làm lễ Thánh, áo vàng của thánh sẽ được thay bằng áo cà sa nhà Phật. Đây là màn thay áo “đi Thần về Phật” để tái hiện quá trình tu luyện của Đức Thánh Từ Đạo Hạnh. Khi kiệu rước đi đến làng nào thì làng đó sẽ làm lễ để cầu mong được Thánh che chở, ban phước cho dân làng.
Lễ rước kiệu Đức Thánh Từ Đạo Hạnh
Lễ rước kiệu Đức Thánh Từ Đạo Hạnh

2. Phần hội chùa Thầy

Bên cạnh các nghi lễ trang nghiêm, phần hội cũng là phần được mong chờ của người dân và du khách thập phương với nhiều hoạt động đặc sắc.

  • Múa rối nước: Thiền sư Từ Đạo Hạnh được coi là ông tổ của nghệ thuật múa rố nước, bởi vậy mà chùa Thầy trở thành cái nôi của nghệ thuật này. Thủy Đình vào ngày này sẽ được trang hoàng rực rỡ và trở thành sân khấu biểu diễn các vở múa rối nước đặc sắc.

  • Tham gia vào các trò chơi dân gian mang đậm màu sắc dân tộc như trò chơi bịt mắt bắt đập niêu, cờ tướng, cờ người, đánh đu, 
  • Thưởng thức các hoạt động nghệ thuật truyền thống dân tộc: hát chèo, quan họ, hạt tuồng, hát dô, cồng chiêng.

Bên cạnh đó, hội chùa Thầy năm 2023 ban tổ chức phối hợp với các bên liên quan tổ chức “Hành trình du lịch văn hóa, lịch sử chùa Thầy” kết nối không gian lễ hội với các điểm tham quan hấp dẫn khác trong khu vực, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động vui chơi giải trí trong đó có Trình diễn thực cảnh Tinh Hoa Bắc Bộ.

III. Những lưu ý khi đi lễ hội chùa Thầy đầu năm 

Chùa chiền vốn là nơi linh thiêng và tôn nghiêm, bởi vậy khi tham gia lễ hội chùa Thầy bạn cũng nên bỏ túi những lưu ý sau:

  • Về trang phục bạn nên chọn những bộ trang phục lịch sự, nhã nhặn, kín đáo. Tránh những trang phục quá ngắn, hay hở hang, không đúng với thuần phong mỹ tục.
  • Nếu lần đầu đi chùa Thầy bạn nên tham quan theo sơ đồ của chùa. Sử dụng dịch vụ thuyết trình của người dân sẽ tốn thêm 100.000 – 300.000VNĐ.
  • Khám phá hang Cắc Cớ bạn nên thuê đèn pin với giá 5.000đ/lượt, vì trong hang khá tối, đường khó đi.
  • Khi mua sắm tại chùa bạn nên hỏi giá trước, hoặc thương lượng để tránh bị ép giá. Sắm lễ tại nhà thay vì tại chùa sẽ bị “hét giá” cao hơn. Hoặc đặt tour du lịch chùa Thầy 1 ngày trọn gói từ Hòa Bình Tourist bạn sẽ có xe đưa đón tận nơi, hướng dẫn viên du lịch nhiệt tình chu đáo, chuẩn bị đồ lễ tươm tất đầy đủ với chi phí hợp lý. Đặc biệt kèm theo các dịch vụ bữa trưa đặc sản tại chùa Thầy cùng với những trải nghiệm trẩy hội thú vị.

Chùa Thầy nổi tiếng với phong cảnh non nước hữu tình, cảnh vật nên thơ, nên đây cũng là điểm đến tâm linh mà nhiều du khách tìm đến vào dịp đầu xuân. Du lịch chùa Thầy không chỉ là nơi để bạn chiêm bái lễ Phật cầu an, cầu may mắn đầu năm mà còn cơ hội trải nghiệm, cảm nhận được không gian bình yên nơi đây. Hi vọng với những thông tin chi tiết về lễ hội chùa Thầy sẽ gợi ý cho bạn những điều thú vị hấp dẫn của điểm đến này.