Chùa Cái Bầu hay còn gọi là Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm, được mệnh danh là chốn bình yên linh thiêng nơi vùng đất di sản Quảng Ninh. Nằm giữa không gian núi non trùng điệp và biển cả mênh mông, chùa Cái Bầu không chỉ là điểm hành hương tâm linh mà còn là nơi để mọi người tìm về sự an nhiên.
Giới thiệu về Chùa Cái Bầu – Quảng Ninh
Không chỉ là điểm đến tâm linh, chùa Cái Bầu tọa lạc ở giữa cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ mang những giá trị văn hóa, lịch sử sâu sắc.
Chùa Cái Bầu ở đâu?
Chùa Cái Bầu, hay còn được gọi là Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm tọa lạc tại thôn 1, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Ngôi chùa nằm cách trung tâm thị trấn Cái Rồng khoảng 10km, trên một ngọn đồi yên bình. Với một mặt hướng ra vịnh Bái Tử Long bao la và một mặt tựa vào dãy núi xanh mát, vị trí của chùa mang lại cảm giác thanh tịnh và hài hòa giữa đất trời.
Chùa Cái Bầu tọa lạc giữa không gian xanh mướt của thiên nhiên
Lịch sử của chùa Cái Bầu
Trải qua hơn 700 năm chùa Cái Bầu không chỉ là một công trình kiến trúc độc đáo mà còn gắn liền với nhiều dấu ấn lịch sử và sự kiện quan trọng.
Theo sử sách, chùa Cái Bầu được xây dựng trên nền chùa cổ Phúc Linh Tự, nơi thờ các vị tướng nhà Trần đã tham gia cuộc chiến chống quân Nguyên Mông. Nơi đây đã từng chứng kiến những trận đánh quyết định, góp phần vào chiến thắng lịch sử trên sông Bạch Đằng năm 1288.
Trải qua các cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ, chùa bị tàn phá nặng nề, mất đi nhiều dấu tích kiến trúc cổ xưa. Sau đó đến năm 2007, chùa Cái bầu được khởi công xây dựng trên diện tích 20ha tại xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh. Và sau gần 2 năm xây dựng, ngày 15/12/2009, chùa Cái Bầu chính thức được khánh thành.
Đây là công trình kết hợp yếu tố văn hóa lịch sử và không gian tâm linh hiện đại nhưng vẫn giữ nguyên ý nghĩa tưởng nhớ các anh hùng nhà Trần, và cũng là nơi lý tưởng để du khách tìm kiếm sự bình an trong tâm hồn.
Ngôi chùa được xây dựng khang trang nhưng vẫn lưu giữ những giá trị lịch sử truyền thống
Chùa Cái Bầu thờ ai?
Chùa Cái Bầu Quảng Ninh là nơi thờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và các vị Bồ Tát. Đây cũng là không gian tưởng niệm các anh hùng nhà Trần, những người đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông thế kỷ XIII. Đồng thời, nơi đây gợi nhắc về chiến thắng Bạch Đằng lịch sử năm 1288.
Đặc biệt với kiến trúc chùa kết hợp đền thờ, vừa trang nghiêm vừa mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc. Khi đến chùa, du khách cảm nhận được sự thanh tịnh và linh thiêng ở nơi đây.
Đi chùa Cái Bầu cầu gì?
Đến với chùa bạn có thể cầu nguyện cho quốc thái dân an, sức khỏe, bình an, sự nghiệp hanh thông, con cái thông minh, học giỏi hay tình duyên hạnh phúc. Tùy theo sở nguyện mà mỗi người có thể bày tỏ những mong muốn riêng.
Nếu bạn chưa biết lễ bái như thế nào có thể tham khảo văn khấn chùa Cái Bầu như dưới đây:
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)
Con lạy chín phương trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
Hôm nay là ngày….. tháng….. năm…..
Tín chủ con là: ………
Ngụ tại: ………
Cùng toàn thể gia đình thành tâm kính lễ trước Đại Hùng Bảo Điện, nơi chùa Cái Bầu.
Kính bạch Đức Phật Thích Ca, Đức Phật Di Đà, Mười phương Chư Phật, Vô thượng Phật pháp, Quan Âm Đại sỹ, cùng chư hiền Thánh Tăng.
Cúi xin các ngài phù hộ độ trì cho chúng con và gia đình:
- Tâm không phiền não, thân không bệnh tật.
- Cuộc sống bình an, công việc thuận lợi, mọi điều may mắn.
- Các bậc Tôn Trưởng cha mẹ, anh em, thân bằng quyến thuộc, cùng chúng sinh đều được cứu độ, hướng đến Phật đạo.
Chúng con lễ bạc tâm thành, cúi xin được phù hộ độ trì.
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)
Thời điểm đi chùa Cái Bầu hợp lý nhất
Thời gian lý tưởng để ghé thăm chùa Cái Bầu Quảng Ninh là vào khoảng tháng 1 đến tháng 3 hàng năm. Đây là thời điểm chùa tổ chức nhiều chương trình lễ hội, cùng với không khí mùa xuân ấm áp, không có mưa, rất thuận lợi cho việc tham quan và hành lễ.
Bên cạnh đó, du khách có thể đến chùa Cái Bầu vào những dịp lễ lớn như Đại lễ Phật Đản hoặc lễ Vu Lan. Những sự kiện này thường được tổ chức trang nghiêm và hoành tráng, mang lại không khí linh thiêng và an lạc.
Mùa xuân là thời điểm lý tưởng khi đến chiêm bái chùa Cái Bầu
Hướng dẫn di chuyển tới chùa Cái Bầu
Để đến chùa Cái Bầu, bạn có thể bắt đầu đi từ Hà Nội theo Quốc lộ 5 qua thành phố Hải Dương. Khi đến thị trấn Nam Sách, tiếp tục đi theo Quốc lộ 183 qua Sao Đỏ, Cửa Ông và vào địa phận huyện Vân Đồn. Từ đây, nếu sử dụng xe khách, bạn có thể dễ dàng bắt taxi hoặc xe ôm để tới chùa.
Nếu bạn xuất phát từ miền Trung hoặc miền Nam, lựa chọn bay đến sân bay Vân Đồn là tiện lợi nhất. Từ sân bay, bạn di chuyển thêm khoảng 10km bằng taxi để đến chùa.
Tham quan Chùa cái Bầu có gì?
Chùa Cái Bầu được xây dựng theo kiến trúc cổ, tọa lạc ở vị trí đặc biệt với thế lưng tựa núi, mặt hướng biển. Nơi đây nổi bật với không gian rộng lớn, thoáng mát, chùa Cái Bầu được chia thành 4 khu vực chính:
Khu chính điện
Khu chính điện là trung tâm của chùa, được xây dựng cao hai tầng trên diện tích rộng 6.000m². Tầng trên thờ Phật Thích Ca Mâu Ni, tầng dưới đặt tượng Bồ Tát và Sư Lợi. Phía sau tượng Phật là phù điêu bằng đồng khắc họa gốc cây Bồ Đề – nơi Phật tu thành chánh quả. Hai bên chính điện đặt tượng Văn Thù Sư Lợi và Phổ Hiền Bồ Tát, tượng trưng cho trí tuệ và lòng từ bi.
Khu chính điện của chùa
Lầu chuông, lầu trống
Hai bên Thiền viện có gác chuông và gác trống lớn. Đây là khu vực dành riêng cho các sư thầy để thỉnh chuông vào các dịp quan trọng.
Lầu trống đối diện lầu chuông, nơi đặt chiếc trống lớn và các tác phẩm điêu khắc đồng, tái hiện hành trình hành hương của Đức Phật một cách sống động.
Lầu chuông, lầu trống
Cổng Tam Quan
Cổng Tam Quan thiết kế hai tầng mái, mang vẻ đẹp trang nghiêm. Khu vực này nổi bật với con đường nhỏ quanh co, nằm sát bờ biển sóng vỗ, tạo nên khung cảnh vừa linh thiêng vừa thơ mộng.
Các khu vực khác
Ngoài các khu vực chính, chùa còn nhiều góc nhỏ yên tĩnh như tu viện, nhà tổ hay nhà khách,… lý tưởng để chiêm nghiệm và cảm nhận không khí bình yên nơi đây.
Từ sân chùa có thể view ra vịnh Bái Tử Long, cảm nhận không gian an yên, thanh tịnh nơi đây
Lễ hội chùa Cái Bầu Quảng Ninh
Chùa Cái Bầu thường tổ chức nhiều lễ hội lớn trong năm, nổi bật như: Đại lễ Phật Đản (12 tháng 4 âm lịch) và Đại lễ Vu Lan báo hiếu (25 tháng 7 âm lịch). Ngoài ra, vào các tháng đầu năm (từ tháng 1 đến tháng 3), chùa thường diễn ra những buổi lễ cầu an, thu hút khách thập phương đến dâng hương, cầu bình an, sức khỏe và tài lộc.
>> Tham khảo: Kinh nghiệm đi Lễ hội đền Cửa Ông lớn nhất Quảng Ninh
Một số lưu ý khi tham quan chùa Cái Bầu
Khi có ý định đến tham quan chùa Cái Bầu bạn cần lưu ý một số điều sau đây:
- Đi nhẹ, nói khẽ: Chùa là không gian thanh tịnh, vì vậy bạn nên tránh làm ồn ào, gây ảnh hưởng đến người khác.
- Chuẩn bị đồ cúng đơn giản: Khi dâng hương, chỉ cần mang theo những món đồ chay đơn giản, tránh mua các món cầu kỳ, không phù hợp với phong tục của chùa.
- Ăn mặc lịch sự: Hãy mặc trang phục gọn gàng, sạch sẽ và kín đáo. Tránh mặc đồ hở hang, và giày thể thao là lựa chọn lý tưởng để di chuyển thoải mái.
- Mang theo tiền lẻ: Bạn nên chuẩn bị tiền lẻ để đặt cúng khi làm lễ, đồng thời có thể quyên góp cho chùa.
- Tôn trọng nơi linh thiêng: Lưu ý giữ gìn vệ sinh cá nhân và không làm ô nhiễm không gian. Tránh tin vào những mê tín dị đoan khi mua đồ lưu niệm.
- Đừng rải tiền khắp nơi: Khi đi lễ, chỉ nên đặt tiền cúng một cách trang nghiêm, không nên chà tiền hay rải tiền khắp nơi.
Lưu ý về trang phục khi đi lễ chùa
Chùa Cái Bầu là một trong những địa điểm tâm linh nổi bật ở Quảng Ninh, với kiến trúc cổ kính và không gian thanh tịnh. Hi vọng với những kinh nghiệm du lịch chùa Cái Bầu trên sẽ giúp du khách hiểu rõ hơn về ngôi chùa và có chuyến hành trình khám phá, trải nghiệm đầy ý nghĩa.
Nếu bạn muốn trải nghiệm trọn vẹn những nét đẹp tâm linh tại Chùa Cái Bầu, Đền Cửa Ông và Chùa Ba Vàng, hãy tham gia ngay tour CHÙA BA VÀNG – ĐỀN CỬA ÔNG – CHÙA CÁI BẦU cùng HoaBinh Tourist. Nhanh tay liên hệ ngay để có chuyến hành trình du xuân đầu năm đầy ý nghĩa tại điểm đến linh thiêng này nhé!