Trung Thu là một dịp lễ cổ truyền mang lại nhiều giá trị dành cho thế hệ trẻ thơ, những mầm non của đất nước. Những bài thơ về trung thu mầm non dễ đọc, dễ nhớ sẽ giúp các bạn nhỏ hiểu hơn về ý nghĩa, phong tục, giá trị văn hóa của Đêm hội trăng rằm!
Xem thêm:
1. Rước đèn Trung thu
- Tác giả: Sưu tầm
- Ý nghĩa bài thơ: Đêm Trăng Rằm là ngày hội mà bé nào cũng háo hức, mong chờ cả tháng để được rước đèn, múa lân, vui đùa. Bài thơ “Rước đèn Trung Thu” bằng lời văn giản dị, mô tả đêm trung thu của một vùng quê yên bình, từng đoàn em nhỏ vui tươi đi rước đèn dưới ánh trăng sáng rõ trong Tết trung thu.
- Lời thơ:
“Đêm nay đêm trung thu
Trời đẹp chẳng mây mù
Rồng rắn từng em nhỏ
Rước đèn vui trung thu
Chị Hằng ơi xuống chơi
Cùng các em đùa vui
Đèn lồng đêm rực rỡ
Trăng sáng cùng bé thơ
Nụ cười trên môi bé
Sáng tựa ánh trăng soi
Chị Hằng tung áo múa
Đường quê trải mật ngời
Bài hát đón chị Hằng
Rộn ràng bao đường phố
Yêu quá cảnh thanh bình
Quê tôi mùa trăng đẹp”
2. “Cuội ơi” – Bài thơ Trung thu mầm non dễ nhớ
- Tác giả: Nlp Trinh
- Ý nghĩa bài thơ: Một hình ảnh vô cùng quen thuộc mỗi dịp trung thu là chú Cuội. Vậy mà chú Cuội cứ mãi trên cung trăng cao nên bài thơ “Cuội ơi” với những câu hỏi đầy ngây ngô của đứa trẻ hỏi thăm chú Cuội liệu có buồn không, có muốn xuống chơi cùng chúng em.
- Lời thơ:
“Vằng vặc sáng tỏ cung trăng
Đêm rằm tháng Tám, Cuội ngồi gốc đa
Em thầm muốn hỏi vài điều
Cuội ơi! Cuội hỡi, có xuống trần chơi?
Trung thu đường phố rộn ràng
Ngập tràn màu sắc, lời ca, tiếng cười
Trung thu vui lắm Cuội ơi!
Cùng em múa hát, cùng em rước đèn
Đêm nay trăng sáng rực trời
Em đây chỉ muốn mời Cuội xuống chơi
Chơi cùng lũ trẻ thôn quê
Chơi cùng chúng bạn tung tăng nói cười.”
3. Trung thu đến
- Tác giả: Nlp Trinh
- Ý nghĩa bài thơ: Trẻ nhỏ luôn có một vạn câu hỏi vì sao, luôn tò mò, hiếu kỳ với những điều xung quanh. Thế nên bài thơ “Trung thu đến” là bài thơ về trung thu cho trẻ mầm non bằng ngôn từ giản dị, mộc mạc giúp các bé nhỏ dễ hiểu. Cả nhà hãy cùng bé đọc thơ và kể cho bé những điều thú vị về trung thu nhé!
- Lời thơ:
“Đêm nay trăng sáng hơn gương
Trời trong, gió mát, bé ngồi ngẩn ngơ
Bé ngồi bé ngắm ông trăng
Mỉm cười hỏi mẹ trăng sao lại tròn?
Mẹ cười và bảo bé rằng
Trăng tròn vì độ trung thu đến rồi!
Mẹ ơi có phải trung thu
Bé được phá cỗ, xem lân hội rằm
Mẹ nhìn mắt bé tròn xoe
Gật đầu khẽ nói đúng rồi con yêu
Bé vui bé thích trung thu
Được mẹ cho bánh, được chơi lồng đèn”
4. Rước đèn tháng Tám
- Tác giả: Nlp Trinh
- Ý nghĩa bài thơ: Một bài thơ tết trung thu mầm non dễ thương mô tả đêm hội rước đèn với những chiếc đèn lồng rực rỡ sắc màu.
- Lời thơ:
“Hôm nay là Tết trung thu
Lòng vui như hội em đi rước đèn
Đèn cá chép, đèn ông sao
Muôn màu muôn vẻ lung linh phố phường
Em cùng chúng bạn đi chơi
Tay cầm đèn sáng, miệng thì hát vang
Múa ca cho hết đêm rằm
Tươi vui chào đón chị Hằng xuống chơi”
5. Rằm Trung thu
- Tác giả: Sưu tầm
- Ý nghĩa bài thơ: Rằm Trung Thu trong mắt trẻ là sự ngóng trông đón chú Cuội, chị Hằng, cùng vui chơi hát múa. Đây cũng là bài thơ Trung thu ngắn sẽ phù hợp với trí nhớ của trẻ mầm non.
- Lời thơ:
“Làm mâm ngũ quả đợi ông Trăng
Thắp nến lung linh đón chị Hằng
Hát múa cùng vui sao sáng rước
Trung thu nhảy nhót trẻ tung tăng
Hàng năm lễ hội thường sâu lắng
Thuyết lại niềm tin mãi bảo rằng
Chú cuội cây đa và thỏ ngọc
Tâm tư tốt bụng được dung dăng.”
6. Trung thu quê em
- Tác giả: Hạnh Nguyễn
- Ý nghĩa bài thơ: Bài thơ về Tết Trung Thu của miền quê yên bình, không có ánh đèn phố thị. Nơi đấy ánh trăng tỏa sáng rải đều khắp đường làng, mang đến vẻ đẹp yên ả, nhưng vẫn toát lên sự vui tươi, háo hức của đám trẻ.
- Lời thơ:
Trung thu đến thật rộn ràng
Ánh trăng biêng biếc vắt ngang lưng trời
Chị Hằng nở nụ cười tươi
Rắc muôn ánh bạc khắp nơi dịu dàng.
Đường quê ngập ánh trăng vàng
Từng đoàn em nhỏ rộn ràng reo ca
Ngõ làng rực rỡ cờ, hoa
Đèn lồng, mặt nạ, sao sa lưng trời.
Tùng tùng trống giục muôn nơi
Đâu đây tiếng hát tiếng cười hân hoan
Tới từng góc phố, ngõ làng
Trung thu đẹp lắm ánh vàng Hằng Nga.
Anh Bưởi đứng cạnh nàng Na
Hồng xinh đỏ thắm như là má em
Cốm xanh cùng bánh bông kem
Đèn Sao tỏa sáng rực đêm trăng rằm.
7. Bài thơ “Vui Trung thu”
- Tác giả: Sưu tầm
- Ý nghĩa bài thơ: Bài thơ có âm điệu tươi vui, tiết tấu nhịp nhàng như tiếng trống múa lân. Thế nên đêm hội trăng rằm này không thể thiếu những bài thơ trung thu mầm non sôi động, hào hứng như này được.
- Lời thơ:
Một ông sao sáng
Hai ông sáng sao…
Mời ông sao xuống
Vui Trung thu nào!
Tùng dinh … tùng dinh
Sư tử dẫn đầu
Gấu trắng theo sau
Hươu sao nối gót
Voi con tiếp bước
Thỏ ơi, vào mau!
Ta làm đám rước
Đèn sao muôn màu.
Cam ngọt, chuối thơm
Quýt, hồng bày cỗ
Bè bạn quây tròn
Cầm tay ca múa.
Là la lá la (X2)
Nhịp chân cho đều
Vỗ tay cho đều
Trung thu chia sẻ
Muôn lòng mến yêu.
8. Bé hỏi Cuội
- Tác giả: Nguyễn Thị Ngọc Hiếu
- Ý nghĩa bài thơ: Bài thơ “Bé hỏi Cuội” bộc lộ suy nghĩ ngây thơ của đứa trẻ khi ngắm nhìn chú Cuội trên cung trăng. Bé cũng khá tò mò về chú Cuội sao có thể nhìn thấy vào đêm Trung Thu, còn vào ban ngày lại không nhìn thấy.
- Lời thơ:
“Đêm về thấy Cuội
Cùng trăng đùa vui
Khi trời tỏa nắng
Cuội đâu mất rồi
Đi đâu thế cuội
Trốn ngủ rồi chăng
Hay Cuội cãi mẹ
Lại đi xuống trần
Dưới trần nhiều ngã
Xe cộ đông ghê
Lỡ cuội đi lạc
Biết đâu đường về
Bé chỉ thích Cuội
Ở mãi bên trăng
Ghé mắt xuống trần
Mỗi đêm nhìn bé.”
9. Trăng rằm tháng Tám
- Tác giả: Nlp Trinh
- Ý nghĩa bài thơ: Sử dụng nhịp thơ 4-4 dễ đọc, dễ nhớ nên đây là bài thơ trung thu phù hợp cho trẻ mầm non. Tác giả sử dụng phép so sánh mặt trăng như chiếc bánh gần gũi giúp trẻ tưởng tượng dễ dàng.
- Lời thơ:
“Trăng rằm tháng Tám
Sáng tỏ như gương
Tròn như chiếc bánh
Treo trên đỉnh trời
Nhìn trăng như muốn
Cùng em đi chơi
Rước đèn, ăn cỗ
Xem lân hội rằm
Trăng như người bạn
Soi bước em đi
Khắp làng, khắp xóm
Vui mừng trung thu.”
10. Hội trăng rằm
- Tác giả: Ngốc Tím
- Ý nghĩa bài thơ: Bài thơ “Hội Trăng Rằm” khắc họa không khí sống động, náo nhiệt của lễ hội Trung Thu. Với bầu trời sao sáng, cờ hoa thắm đỏ, tiếng trống rộn ràng.
- Lời thơ:
“Trời tháng tám ngàn sao rực rỡ
Hội trăng rằm thắm đỏ cờ hoa
Trung thu hội tụ muôn nhà
Thiếu nhi náo nức hát ca vui mừng
Kìa chú Cuội ung dung ngồi ngó
Chị hằng cùng trẻ nhỏ hòa vang
Hân hoan rước hội rộn ràng
Vui cười rộn rã sao vàng khắp nơi
Kìa trống vụt với lời bé hát
Thấy vui sao khúc nhạc đêm trăng
Cắc tùng rinh… trẻ hát rằng
Trung thu hạnh phúc in hằng ngàn năm.”
11. “Trăng” – Bài thơ Tết Trung thu mầm non
- Tác giả: Sưu tầm
- Ý nghĩa bài thơ: Hình ảnh trăng được ví von với những quả thị, bánh đa, trái bưởi,… rất gần gũi với đứa trẻ, kích thích sự liên tưởng thú vị. Hơn nữa nhịp thơ lục bát giúp trẻ mầm non dễ dàng ghi nhớ lời thơ.
- Lời thơ:
Trăng như quả thị chín vàng
Để cho cô Tấm nhẹ nhàng bước ra
Trăng như là chiếc bánh đa
Để cho cu Tí dâng quà biếu ông.
Trăng như trái bưởi, trái bong
Để cây mang nặng uốn cong vòm trời.
Trăng là quà tặng mọi người
Đêm rằm tỏa sáng, muôn lời múa ca.
Trăng như gương mặt tươi hoa
Yêu thương mẹ gọi luôn là Bé Trăng!
12. Vui Trung thu cùng bé
- Tác giả: Nguyễn Ngọc Ký
- Ý nghĩa bài thơ: Bài thơ “Vui Trung thu cùng bé” không chỉ là một bài thơ tết trung thu mầm non mà còn toát lên được niềm hân hoan của bất cứ ai. Nhịp thơ lục bát, cùng ngôn từ giản dị, mang đến một Tết Trung Thu tươi vui.
- Lời thơ:
“Trái hồng phô má đỏ hây
Bưởi đào ướp nắng treo ngay trước nhà
Long lanh sao sáng Ngân Hà
Xuống chơi cùng bé trong nhà ngoài sân
Rừng xa sư tử, kỳ lân
Cùng về với bé kết thân bạn hiền
Dưới ao cá chép cùng lên
Góp vui mở hội rước đèn đêm trăng
Trái na mở mắt tròn căng
Chuối cười phô cả hàm răng rực vàng.”
13. Trung thu vui cùng cháu
- Tác giả: Nguyễn Khắc Hiến
- Ý nghĩa bài thơ: Bài thơ “Trung thu vui cùng cháu” là sự hồi tưởng về trung thu xưa với đêm rằm gió mát, con cháu vui đùa. Đó là khoảnh khắc êm ấm và sum vầy của những ngày Tết Trung Thu thời xa xưa của ông bà.
- Lời thơ:
“Trung thu tháng tám khoảng trời xanh
Mây vắng đêm rằm gió mát lành
Lũ trẻ vui đùa chơi thỏa thích
Đèn sao tỏa sáng mắt long lanh
Còn đâu cái cảnh ngày xưa ấy
Vò võ đêm nằm áo nhất manh
Bảnh mắt ra vườn cây hái quả
Thêm vào mâm cỗ cháu chưa rành”
14. Trung thu đồi quê
- Tác giả: Trương Thị Anh
- Ý nghĩa bài thơ: Bài thơ về trung thu được diễn ra tại một vùng quê ở miền núi cao yên bình với ruộng bậc thang, bản làng, tiếng khèn…
- Lời thơ:
“Trời cao chiếu ánh trăng vàng
Tỏa muôn ánh sáng xuống làng bậc thang
Trung thu trăng sáng mênh mang
Chú Cuội cùng với Hằng Nga xuống đồi
Bậc thang ruộng đẹp tuyệt vời
Trung thu ngắm cảnh đất trời giao thoa
Bản làng các cháu hát ca
Cùng vui đón ánh trăng ngà về quê
Vùng đồi gió mát thổi về
Trung thu nhộn nhịp em mê rước đèn
Trò vui bạn lạ thành quen
Tiếng khèn gọi bạn bản bên cùng về
Trung thu vui rộn đồi quê
Tiếng chim gọi tổ, chú hề múa lân
Trống ếch tùng cắc dung dinh
Âm thanh vang vọng vòng quanh núi đồi
Bản làng thưa thớt bỗng vui
Trung thu như vẫy gọi mời khách qua
Niềm vui đến với mọi nhà
Trung thu cả bản hát ca tưng bừng.
15. Trung thu nhớ Bác
- Tác giả: Hoàng Bích Hà
- Ý nghĩa bài thơ: Một bài thơ khá là quen thuộc với thiếu nhi. Bài thơ là nỗi niềm thương nhớ gửi tới Bác Hồ vào tết Trung Thu.
- Lời thơ:
“Trung thu rằm tháng Tám
Chị Hằng ở trên cao
Cùng chú Cuội vẫy chào
Chúng cháu vui múa hát
Trăng Trung thu tròn mát
Tiếng trống lân rộn ràng
Chúng cháu vui ca vang
“Ai yêu Bác Hồ Chí Minh
Hơn thiếu niên nhi đồng”
Mâm cỗ: bưởi, táo, hồng…
Xếp thành hình linh vật
Chờ trăng lên cao nhất
Cùng phá cỗ, vui chơi
Nhớ Bác lúc sinh thời
Thương nhi đồng biết mấy
Trung thu nào cũng vậy
Bác viết thư hỏi thăm
Xa Bác mấy chục năm
Chúng cháu luôn nhớ Bác
Đồng thanh chúng cháu hát:
“Ai yêu nhi đồng
Bằng Bác Hồ Chí Minh”.
16. Trung thu của bé
- Tác giả: Sưu tầm
- Ý nghĩa bài thơ: Bằng ngôn từ giản dị, kể về những hoạt động của các thành viên trong gia đình khi ngày Rằm tháng 8 đến. Bài thơ mô tả chân thật những hoạt động của mọi người cùng nhau quây quần bên mâm cỗ, thưởng thức không khí Trung Thu ấm áp. Hơn nữa nhịp thơ 4-4 dễ đọc, giúp bé dễ dàng ghi nhớ.
- Lời thơ:
“Trung thu của bé
Cả nhà đều lo,
Bố mua ô tô
Mẹ mua bánh dẻo.
Bà thì khéo léo
Gọt bưởi, gọt hồng
Làm con chó bông
Bày lên mâm cỗ.
Bé vui hớn hở
Nhận quà: Cảm ơn!
Bé càng xinh hơn
Trung thu của bé!”
17. Mở hội đón trăng
Tác giả: Nguyễn Quang Tuyến
Ý nghĩa bài thơ: Bài thơ”Mở hội đón trăng” gợi nên những hình ảnh giản dị, mộc mạc về ngày rằm Trung Thu có những nụ cười rạng rỡ của trẻ thơ, có những khúc hát yêu đời và những niềm vui phấn khởi của trẻ thơ.
Lời thơ:
Niềm vui mở hội đón trăng
Đêm rằm tỏa sáng chị Hằng xinh tươi
“Chú Cuội mải bỏ đi chơi
Để trâu ăn lúa bời bời bên sông”
Nhộn nhịp trống phách lân rồng
Hồn nhiên nhảy múa tuổi hồng reo ca
Trăng rằm tháng tám bao la
Trung Thu khúc hát thiết tha yêu đời
Tuổi thơ đẹp đẽ sáng ngời
Nâng niu rạng rỡ nụ cười trẻ thơ…
18. Quà Trung thu
- Tác giả: Sưu tầm
- Ý nghĩa bài thơ: Bạn nhỏ nào cũng thích quà trung thu, có thể chỉ đơn giản là chú gấu từ quả bưởi. Bài thơ bày bày tỏ tình cảm của bà dành cho cháu với món quà do chính tay bà làm. Nhịp thơ đơn giản rất phù hợp với các bé mầm non trong dịp trung thu.
- Lời thơ:
Từ quả bưởi đường
Chú “gấu” hiện ra
Theo bàn tay bà
Làm quà cho cháu
Bộ lông thật đẹp
Bằng tép bưởi tươi
Bé thử nếm chơi
Ngọt ơi là ngọt
Chúng em vui hát
Chú gấu lặng yên
Bà cười thật hiền
Như vầng trăng sáng
19. Câu Trăng rằm
- Tác giả: Dương Huy
- Ý nghĩa bài thơ: Câu thơ ngắn, ngắt nhịp 3-3 là bài thơ trung thu mầm non rất phù hợp với các bé. Tác giả sử dụng các nhân vật đáng yêu như vịt, gà, ví trăng như chiếc bánh rất gần gũi với trẻ.
- Lời thơ:
“Ông trăng rằm
Như chiếc bánh
Rớt dưới ao
Tròn lấp lánh
Vịt xòe cánh
Tớ sẽ mò
Chiếc bánh to
Cùng ăn nhé!
Gà vội can
Hãy khoan khoan
Cậu mà xuống
Bánh vỡ ra
Để tớ lấy
Câu lên cho
Bằng tiếng gáy
Ò ó o…”
20. Thư Trung thu gửi các cháu thiếu nhi năm 1951
- Tác giả: Hồ Chí Minh
- Ý nghĩa bài thơ: Đây là một bài thơ Trung thu ý nghĩa mà Bác Hồ dành tặng cho thiếu nhi. Bài thơ ngắn gọn nhưng chứa đựng những tình cảm thân thương dành cho nhi đồng.
- Lời thơ:
Trung thu trăng sáng như gương,
Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng.
Sau đây Bác viết mấy dòng,
Gửi cho các cháu tỏ lòng nhớ thương.
Trên đây là những bài thơ trung thu mầm non gần gũi, ý nghĩa mà chúng tôi tổng hợp được. Với những bài thơ về tết Trung thu này sẽ là nguồn tư liệu cho bố mẹ, thầy cô giáo truyền dạy cho trẻ những giá trị tốt đẹp.